Đặt tên công ty, sản phẩm, blog hay kể cả đặt tên cho em bé của bạn, tất cả đều cần rất nhiều thời gian để tìm kiếm và lựa chọn thật kỹ càng. Cái tên sẽ đại diện cho bạn, sẽ theo bạn đi đến cuối cùng và là bước đầu tác động đến sự thành công của công ty bạn sau trong tương lai.

Vì vậy, để có thể thuận lợi phát triển, để chọn ra được cái tên thật hay và ý nghĩa mà không cần phải “ngậm ngùi” đổi tên mới vì không phù hợp, hãy tránh chọn 5 cách đặt tên công ty không hiệu quảnày và thử lại với hướng dẫn đặt tên công ty phù hợpmà Tadu giới thiệu sau đây nhé!

5 cách đặt tên công ty không hiệu quả

cách đặt tên công ty

1. Đặt tên công ty “chung chung”

Tên thương hiệu chính là cách để khách hàng nhận diện bạn và cũng là điểm để bạn trở nên khác biệt với những đối thủ cạnh tranh khác.

Giả sử trong trường hợp bạn đang là một web developer và chuẩn bị mở một công ty chuyên về lập trình website cho khách hàng. Tadu thấy nhiều bạn sẽ bắt đầu đặt tên công ty chung chung về công việc họ sẽ làm, ví dụ như “Lập trình web ABC”. Cái tên này không những không thể giúp bạn nổi bật trên thị trường ngành hiện tại, mà còn có thể phạm vào lỗi đặt tên tiếp theo.

2. Đặt tên công ty có giới hạn ngành nghề

Tadu sẽ tiếp tục lấy ví dụ từ cách đặt tên sai đầu tiên, cái tên “Lập trình web ABC” có thể giúp khách hàng biết bạn đang làm dịch vụ lập trình web. Nhưng giả sử trong tương lai công ty bạn có định hướng và tiềm năng để thiết kế trọn gói website thì sẽ như thế nào?

Chắc chắn bạn không thể giải thích với từng khách hàng rằng “Ngày xưa tôi định lập trình thôi, nhưng hiện tại tôi muốn thiết kế nữa”. Cái tên không bao quát được những gì công ty bạn có thể cung cấp cho khách hàng hiển nhiên không phải là một cái tên tốt rồi!

3. Đặt tên công ty theo vị trí địa lý

Tương tự như việc giới hạn ngành nghề, việc đưa một địa điểm cụ thể vào tên công ty có thể gây nhiều cản trở cho tiềm năng phát triển của bạn sau này.

Tadu lấy ví dụ như bạn muốn cung cấp dịch vụ tìm phòng trọ, cho thuê chung cư,.. và hiện bạn đang làm ở khu vực quận Gò Vấp chẳng hạn, vậy nếu bạn chọn cái tên “Phòng trọ Gò Vấp” sẽ dễ khiến khách hàng hiểu lầm rằng những phòng trọ đó chỉ có ở Gò Vấp mà thôi.

Điều này sẽ tốt nếu bạn chỉ muốn đặt mục tiêu phát triển và nhắm tới những đối tượng yêu thích khu vực này. Nhưng nếu bạn có mở rộng dịch vụ thêm ở những quận khác, hoặc toàn Thành phố Hồ Chí Minh hay phát triển ra toàn quốc chẳng hạn, cái tên này chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho bạn trong quá trình thu hút khách hàng.

4. Đặt tên công ty bằng những từ vô nghĩa

đặt tên công ty sai cách
Đừng để khách hàng stress chỉ vì không tìm kiếm được tên công ty của bạn!

Trong trường hợp bạn không phải là người tiên phong cho một hình thức kinh doanh mới nào đó, việc đặt một cái tên quá “lạ” và không mang ý nghĩa gì sẽ tác động khá lớn đến sự thành công của bạn đấy.

Thử nghĩ xem, giả sử bạn muốn nhấn mạnh thương hiệu cá nhân hoặc tầm quan trọng của bạn ở vị trí chủ doanh nghiệp, bạn quyết định chọn tên mình để đặt tên công ty. Nhưng lấy tên đầy đủ thì sẽ quá bình thường nên bạn muốn viết tắt tên mình để tạo sự riêng biệt chẳng hạn. Tadu lấy ví dụ như tên bạn viết tắt lại sẽ là “NLP”:

Tên này có khác biệt không? “Có”

Tên này có dễ tìm kiếm không? “Không”

Tên này có dễ nhớ không? “Hoàn toàn không”

Bạn có thể nghe người khác nhắc đến mình như là “PNL”, “NPL” hoặc thậm chí là “NOP” gì đó. Vì khách hàng không biết chính xác ý nghĩa tên công ty, cũng không có điểm nào để gợi nhớ. Điều đó khiến họ dễ nhầm lẫn và có thể gặp khó khăn nếu muốn tìm kiếm công ty của bạn.

5. Đặt tên công ty theo xu hướng

Xu hướng là những sự việc, hành động đột nhiên xuất hiện và được nhiều người tin tưởng làm theo. Nhưng không phải trào lưu nào cũng được yêu thích lâu dài mà có thể biến mất nhanh như cách chúng xuất hiện vậy.

Sẽ rất tốt nếu bạn kinh doanh và đặt tên công ty phục vụ cho một trào lưu nào đó, bạn có thể thu hút khách hàng ngay từ khi bắt đầu kinh doanh. Tuy nhiên, nếu xu hướng phát triển mạnh mẽ hoặc biến đổi sang hình thức khác, liệu bạn có phát triển công ty theo kịp hay không? Nếu đến giai đoạn thoái trào, bạn cần phải làm gì với thương hiệu của mình?

Đó là những thử thách bạn cần sẽ đối mặt nếu chọn cách đặt tên công ty theo xu hướng. Tadu khuyến khích bạn hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định nhé!

Chỉ cần tránh những cách đặt tên công ty mà Tadu liệt kê ở trên, bạn đã có thể bước gần hơn đến công cuộc chọn ra một cái tên hoàn hảo cho công ty của mình rồi. Bây giờ thì bắt tay vào đặt tên công ty với hướng dẫn chọn tên phù hợp nhất ngay sau đây.

Hướng dẫn cách đặt tên công ty hay và dễ mang lại thành công nhất

Bước 1: Ghi lại tất cả những cái tên bạn có thể nghĩ ra

Để bắt đầu, bạn hãy lấy một tờ giấy trắng, một cây viết và đến một không gian giúp bạn cảm thấy thoải mái, hãy tạo ra môi trường phù hợp nhất với bạn, ví dụ như mở một bài hát bạn ưa thích chẳng hạn hoặc một không gian yên tĩnh, nhiều cây xanh.

Sau khi có được môi trường phù hợp, bạn có thể hẹn giờ đếm ngược trong vòng 5 phút, sau đó viết ra giấy tất cả những cái tên bạn có thể nghĩ tới, về bạn, về công ty, về tất cả mọi thứ xung quanh.

cách đặt tên công ty

“Mục tiêu của bạn là lấp kín tờ giấy đó trong vòng 5 phút, không cần quan tâm đến chữ đẹp hay xấu, viết có đúng hàng hay không. Hãy viết ra tất cả những ý tưởng bạn có thể nghĩ tới. ”

Khi bước này đã kết thúc, bạn vẫn có thể tìm thêm cảm hứng và đừng quên viết vào giấy bất kỳ cái tên nào xuất hiện trong đầu bạn. Còn việc đánh giá cái tên đó có phù hợp hay không thì cùng Tadu đi đến bước 2 nhé.

Bước 2: Nhận định, phân tích và đánh giá mỗi “ứng viên”

Tương tự như một buổi tuyển dụng, bạn cần đưa ra những giá trị riêng biệt của công ty, đồng thời đặt tiêu chí cho các “ứng viên” đến phỏng vấn để có lựa chọn phù hợp nhất.

Ở đây, bạn hãy xác định:

  • Giá trị cốt lõi, lợi ích mà công ty bạn có thể cung cấp cho khách hàng
  • Ưu điểm khiến công ty của bạn khác biệt với các đối thủ khác
  • Điểm mà bạn muốn thể hiện nhất với khách hàng

Sau đó đặt ra yêu cầu đối với tên của công ty:

  • Cái tên này sẽ đem lại cảm giác/ thể hiện phong cách nào?
  • Tên gọi đó có hấp dẫn, dễ nhớ không?
  • Cái tên đó có phạm phải 5 lỗi phía trên không?
  • Tên gọi có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chưa?
  • Có làm nổi bật giá trị công ty hay không?
  • Cái tên đó có phù hợp trong suốt quá trình phát triển của công ty không?

Tên công ty nên: “Ngắn gọn – Dễ tìm – Dễ nhớ – Dễ viết

Khi đã thiết lập được các tiêu chuẩn, bạn có thể tiến hành phân tích và sàng lọc những “ứng viên” phù hợp nhất từ những cái tên bạn kiếm được ở bước 1 và tiến đến bước 3.

Bước 3: Thử nghiệm tên công ty với bên “thứ ba”

cách đặt tên công ty

Đây là bước quan trọng nhất để bạn chọn được một cái tên hoàn hảo.

Một khi đã cầm danh sách các “ứng viên” sáng giá nhất, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của các nguồn tham khảo như: người thân, bạn bè, đồng nghiệp hoặc chính những khách hàng mục tiêu của bạn trong tương lai.

Hãy mở một cuộc thảo luận nho nhỏ với những đối tượng này. Bạn có thể đưa ra những cái tên mình chọn lựa, sau đó yêu cầu người tham gia đánh giá xem:

  • Họ có nhớ cái tên nào không?
  • Tại sao họ thấy cái tên A thu hút?
  • Tại sao họ thấy cái tên B không phù hợp?
  • Họ có liên tưởng đến cái tên nào khác hay không?

Hãy đào sâu vào lý do, điểm được, điểm chưa được ở mỗi cái tên và tìm cách để hoàn thiện những cái tên đó.

Ví dụ như kết hợp những từ khác nhau để thể hiện nhiều ý nghĩa hơn hoặc tìm tên tương tự,.. . Quá trình này có thể giúp bạn tích lũy kinh nghiệm, nhìn được vấn đề rõ hơn từ đó đưa ra được những lựa chọn phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo ý kiến của người khác, nhưng quyền quyết định và lựa chọn vẫn phải nằm ở bạn. Tên công ty không chỉ gắn bó lâu dài với mỗi công ty, mà nó còn là sự nỗ lực và phấn đấu của bạn, là đại diện cho con người bạn trên thương trường. Vì vậy, bạn hãy là người đưa ra quyết định cuối cùng, chọn lựa cái tên phù hợp nhất với bản thân và giúp bạn có được động lực “chiến đấu” lâu dài.

Nếu bạn vẫn chưa ưng ý những cái tên đã chọn ra được sau bước 3, hãy đừng ngần ngại việc bắt đầu một lần nữa từ bước 1 nhé! Toàn bộ quá trình này có thể lặp lại nhiều lần, mất vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí là vài tháng cho đến khi bạn chọn được một cái tên hoàn hảo. Nhưng những đầu tư về công sức và thời gian như vậy hoàn toàn xứng đáng cho sự nghiệp thành công sau này của bạn đấy!

Bước 4: Kiểm tra và tiến hành đăng ký sở hữu tên công ty

Khi đã có được những lựa chọn phù hợp, bạn nên tiến hành kiểm tra xem tên công ty và domain tương tự có thể sử dụng được hay không.

Để kiểm tra tên công ty:

Bạn truy cập vào đây rồi làm theo hướng dẫn (như hình).

đăng ký tên công ty
Bạn nhập tên công ty mong muốn và nhấn tìm kiếm
đăng ký tên công ty
Nhập TÊN RIÊNG của công ty vào ô “Tên doanh nghiệp”, nhấn tìm kiếm và xem danh sách kết quả bên dưới

Nếu không có kết quả nào hiển thị nghĩa là cái tên đó chưa được ai sử dụng và bạn có thể yên tâm chọn làm tên cho công ty tương lai của mình.

Nếu đã có một số kết quả tương tự mà bạn vẫn muốn chọn cái tên dự kiến, hãy đảm bảo tránh các trường hợp trùng lặp và gây nhầm lẫn theo quy định tại điều 42, Luật Doanh Nghiệp 2014:

  • Trùng hoàn toàn tên tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tên viết tắt
  • Có cách đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký
  • Phần tên riêng chỉ có sự khác biệt nhỏ (có thêm một chữ số, chữ cái hoặc ký tự đặc biệt; có thêm “tân/mới” hoặc chỉ vị trí địa lý như “miền Bắc/Trung/Nam,..) với tên doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký

Để kiểm tra domain:

Bạn truy cập vào đây, nhập tên miền mong muốn để xem những domain nào sử dụng được, kèm theo đó là chi phí và các gói tên miền ưu đãi để bạn lựa chọn.

đăng ký tên miền
Bạn nhập tên miền mong muốn và nhấn “Tìm kiếm”
đăng ký tên miền
Sau khi nhấn tìm kiếm, trang kết quả sẽ hiển thị những domain không thể hoặc có thể sử dụng được kèm theo giá và một số lựa chọn gợi ý khác

Hãy tiến hành hai bước kiểm tra thường xuyên trong suốt quá trình chọn tên để không bị tốn quá nhiều thời gian vào những cái tên không sử dụng được.

Ngoài ra, bạn có thể đầu tư mua tên miền với nhiều đuôi khác nhau, hoặc các domain tượng tự để phòng tránh trường hợp khách hàng đánh sai tên hoặc có đối thủ khác lợi dụng để dẫn khách hàng về những website bất chính. Bằng cách đó, bạn có thể giữ khách hàng, đồng thời bảo vệ uy tín cho tên công ty của mình.

Tiến hành đăng ký tên:

Nếu bạn đã tìm được cái tên ưng ý cho công ty của mình, hãy nhanh chóng đăng ký bản quyền để không bị các đối thủ khác giành mất và xảy ra những vụ tranh chấp không đáng có nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0908643184